– Có thông tin anh “lên đời” từ khi lấy được vợ hai là đại gia, không màng hoạt động nghệ thuật nữa. Thực hư chuyện này thế nào?
– Ôi dào, người ta cứ nghĩ tôi lấy vợ đại gia để có tiền xài nhưng làm gì có chuyện đó. Tính tôi sĩ diện lắm. Tôi quan niệm một người đàn ông sẽ không còn là đàn ông nếu không có lòng tự trọng. Ai cũng nghĩ tôi phụ thuộc tiền bạc vào vợ vì làm nghệ thuật thì kiếm được là bao đâu. Sự thật, vợ chồng tôi gần như rạch ròi về kinh tế. Lý do là tôi không muốn phụ thuộc vào vợ, sợ xảy ra những chuyện không hay sau này. Khi nào bí lắm, vào bước đường cùng may ra tôi mới nhờ vợ chứ không có chuyện động cái thiếu tiền lại về ngửa tay xin vợ đâu.
Thật sự là vài năm trước bà xã có mua cho tôi xế hộp hạng sang trị giá gần 6 tỷ đồng nhưng tôi có ham hố gì đâu. Cả 5-6 năm nay tôi chạy xe đó chưa được 10 lần. Vợ tôi mắng hoài. Cô ấy bảo tôi nên lái nhiều cho quen tay nhưng tôi vẫn thích đi xe máy cho thoải mái. Ở Sài Gòn tôi quen đi đâu cũng dùng xe máy cho tiện, chỉ thỉnh thoảng về Vũng Tàu đường sá thông thoáng tôi mới lái xe hơi. Nói chẳng ai tin chứ chiếc xe tiền tỷ vợ mua cho tôi để mãi bụi đóng đầy. Không kể xe cộ mà đến quần áo tôi cũng thích dùng đồ bình dân hơn đồ hiệu. Vợ tôi thì ngược lại. Mỗi chiếc áo, chiếc quần hay đôi giày của cô ấy có giá gấp hàng trăm lần món đồ tôi mặc. Khi hai vợ chồng đi nước ngoài, bà xã thường dắt tôi vào những shop hàng hiệu kêu chọn mua vài bộ nhưng nhìn cái giá “khủng” tôi lại bỏ đi, tìm các hiệu bình dân, bán hàng hàng nhái mua cho rẻ.
Tới giờ nhiều người vẫn nghĩ tôi gặp vợ khi cô ấy đã là đại gia nhưng thực tế ngược lại. Vợ chồng tôi quen nhau khi việc làm ăn của cô ấy đang sa sút. Năm 2008 khủng hoảng kinh tế xảy ra ở Việt Nam, nhiều đại gia đã ngã ngựa không gượng dậy được. Vợ tôi cũng vậy. Khi đó tôi đã ở bên, động viên tinh thần, cùng vợ vượt qua khó khăn. Ngày ấy hai vợ chồng cùng đường, nợ nần chồng chất, nghĩ ra cái gì bán cái đó. Phải mất 7 năm cô ấy mới gây dựng lại cơ nghiệp.
Kinh Quốc và người vợ thứ hai bằng tuổi anh.
– Khác biệt nhiều về phong cách sống, vợ chồng anh làm thế nào để duy trì hôn nhân êm đẹp?
– Dù khác nhau, điều quan trọng là chúng tôi vẫn thương yêu đối phương. Vợ nói cô ấy thương tôi chính vì cái tính giản dị, bình dân. Bà xã là doanh nhân nên ăn to nói lớn còn tôi tính thâm trầm, tinh tế kiểu nghệ sĩ. Chúng tôi cũng nhiều lần mâu thuẫn, cãi vã xém chia tay nhưng cuối cùng vẫn gắn bó. Lý do là ở với nhau lâu chúng tôi nhận ra người này dần bổ sung cho sự thiếu hụt ở người kia. Người ta cứ nghĩ phải giống nhau mới hợp nhau nhưng không phải vậy. Bà xã đi làm suốt ngày gặp những người hùng hổ, ồn ào, về nhà thấy ông chồng tính khác hẳn nên có cái mà tâm sự. Tôi thì cả ngày đã mải mê suy nghĩ, chiêm nghiệm, tối về còn gặp bà vợ im im, ít nói chắc ức chế vô nhà thương điên sớm. Rõ ràng là chúng tôi bổ sung cho nhau và cần có nhau. Mỗi lần gia đình xảy ra xung đột, tôi luôn là người chủ động làm lành trước. Tôi nghĩ: “Cô ấy là vợ mình, là người sinh con cho mình, có vợ chỉ có lãi chứ không lỗ bao giờ. Vì mấy chuyện cỏn con mà ly hôn thì có đáng không? Nhường vợ một chút có mất gì đâu?”. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều người già, trong đó có cả người thân của tôi phải chịu cảnh cô quạnh, nằm một chỗ không ai ở bên khi bệnh tật, già yếu. Nếu mất vợ là sẽ mất tất cả. Tôi không muốn làm lại từ đầu ở cái tuổi ngoài 40 nữa. Đôi khi tôi trêu vợ rằng: “Sao lần nào cũng là anh chủ động làm lành vậy, hay hôm nào em thử làm hoà trước với anh đi”.
– Ngoài chuyện “ăn to, nói lớn”, kinh doanh giỏi, vợ anh còn là người thế nào?
– Cô ấy kiệm lời khen lắm. Tôi có khen ngợi, ca tụng gì cô ấy thì ca chứ gần như cô ấy không bao giờ nói gì ngọt ngào với tôi. Tôi cũng hay hỏi vợ: “Sao anh hay khen em mà em chẳng bao giờ khen anh vậy?”. Hai vợ chồng tính cách trái ngược hoàn toàn nhưng tôi biết cô ấy thương yêu và quan tâm tôi theo cách của cô ấy. Bà xã bằng tuổi tôi mà không hiểu sao ai cũng nghĩ cô ấy lớn tuổi hơn.
Thú thật từ khi lấy vợ tôi mới được biết “cao lương mỹ vị” là gì. Bà xã thích rủ tôi tới các vùng đất mới, những danh lam thắng cảnh mà tôi chưa từng được đặt chân đến. Trước đây khi còn đi đóng phim, tôi hay mơ ước có cơ hội tới những địa danh nổi tiếng. Bây giờ thì tôi đi du lịch như đi chợ. Dù đi chơi trong hay ngoài nước vợ tôi đều lo hết. Như lúc này tôi đang ngồi nói chuyện ở đây chứ bà xã đã tính toán sắp tới hai vợ chồng đi đâu rồi đó. Cô ấy mê du lịch lắm và có mối quan hệ rộng, bạn bè, đối tác ở khắp nơi. Sắp tới chúng tôi dự định đi Nga chơi.
Kinh Quốc trong buổi trò chuyện với Ngoisao.net.
– Lâu không thấy anh xuất hiện trên màn ảnh, thời gian qua anh làm gì?
– Tôi đang tập trung phát triển kênh YouTube riêng. Tôi lập kênh được gần 2 năm nay để chiếu các phim và chương trình do mình đạo diễn, sản xuất. Phim ảnh mấy năm nay xuống dốc quá, tôi buộc phải chuyển hướng hoạt động. Khoảng 7-8 năm trước, khi vẫn đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, tôi đã nhận thấy nghề diễn viên ngày càng khó khăn, thu nhập cứ teo tóp dần. Trước đây, một vai diễn thù lao tầm vài trăm triệu đồng rồi dần dần chỉ còn 100 triệu và giờ chắc được mấy chục triệu thôi. Tôi cảm giác rồi đây tình hình còn bi đát, nguy hiểm hơn nữa. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều nghệ sĩ ở tuổi xế chiều lâm bệnh nặng, bao tài sản đội nón ra đi, mọi chi phí thuốc men phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của khán giả, tình cảnh rất bi thảm. Rõ ràng diễn viên mà không đóng phim thì chả biết làm nghề gì khác để sống. Nghĩ đến chuyện sau này lớn tuổi mà không có nghề ngỗng gì tôi lại thấy sợ. Vì thế mà tôi phải tìm tòi, làm cái gì đó để lo cho tương lai sau này của mình. Tôi từng trải qua nhiều nghề từ kinh doanh trái cây, bán mỹ phẩm nhưng đều thất bại, mất rất nhiều tiền. Sau này, thấy một số người làm phim chiếu trên YouTube, tôi suy nghĩ và nhận thấy lĩnh vực này có tương lai nên chuyển hướng đầu tư vào đây.
– Là diễn viên, từng đóng nhiều phim có giá trị nghệ thuật nhưng hầu hết các phim do anh đạo diễn, chiếu trên YouTube đều thuộc thể loại phim giải trí, bình dân. Vì sao vậy?
– Thú thật là thời gian đầu tôi cũng mang tư tưởng phải làm phim chuyên nghiệp, tử tế nên vay mượn cả đống tiền đổ vào làm phim chiếu mạng. Phim đầu tiên của tôi ra mắt, thằng bạn thân cũng là một diễn viên hài nổi tiếng phán ngay: “Mày làm phim kiểu này thì có làm 10 phim nữa cũng chưa được một triệu view đâu”. Nó nói đúng. Phim đó tôi phát hành vài tháng mới được 10.000 người xem, coi như thất bại toàn tập. Tôi bị sốc, sợ không dám làm phim thứ hai nữa. Sau vài tháng nằm nhà suy nghĩ, tôi thay đổi quan điểm, không làm phim chỉn chu nữa mà chạy theo thị hiếu giải trí của khán giả. Thế mà thành công tới liền. Tới bộ phim thứ tư thì tôi đã có lượt view lên đến hàng triệu. Tôi ngẫm ra rằng mình làm phim là để cho khán giả xem chứ không phải làm cho mình hay một bộ phận nhỏ những người trong giới xem. Khán giả thích xem phim gì thì mình làm cái đó mới “ăn” được. Phim hay, bỏ nhiều tiền vào mà làm ra không ai coi thì cũng vứt. Việc làm phim phát trên YouTube đã dạy tôi bài học: làm gì cũng phải nhắm chính xác đến đối tượng mình muốn phục vụ.
– Cụm từ “đổi tình lấy vai diễn” từ lâu vẫn tồn tại trong làng giải trí để ám chỉ mối quan hệ “có qua có lại” giữa đạo diễn và các diễn viên nữ. Khi chuyển sang vai trò mới, anh ứng phó với những thị phi quanh mình thế nào?
– Thực sự một số diễn viên hay tố bị đạo diễn này, nhà sản xuất kia gạ tình. Bản thân tôi khi mới thử sức với vai trò đạo diễn cũng bị nhiều người đồn đoán, thêu dệt lung tung. Họ nói tôi hay dụ dỗ các cô gái đi khách sạn làm cho nhiều diễn viên nữ e ngại không dám tới casting phim của tôi. Nhưng rồi những người mạnh dạn tới thử sức, làm việc với tôi dần hiểu rõ tính cách, đạo đức của tôi thế nào. Họ về kể lại cho bạn bè, đồng nghiệp nghe và giờ thì mỗi lần tôi làm phim, diễn viên tới casting đông chẳng khác gì đi thử vai cho phim điện ảnh chiếu rạp. Sở dĩ tôi luôn cư xử đàng hoàng, không bao giờ có chuyện bậy bạ vì tôi hiểu mình mà làm bậy, gạ gẫm, bồ bịch với diễn viên thì ra trường quay chẳng ai tôn trọng mình nữa. Như thế thì rất khó làm việc hiệu quả được.
Kinh Quốc trong một chuyến du lịch.
– Anh không gạ gẫm diễn viên nhưng đã bao giờ anh rơi vào tình huống ngược lại, được các bóng hồng trao gửi tình cảm, “bật đèn xanh”?
– Nói thật, đa số diễn viên nữ họ vừa thích, thương nhưng cũng sợ tôi. Bởi tôi luôn gần gũi, hoà đồng với tất cả anh em trong đoàn phim nhưng cũng dễ nổi điên khi có người vô kỷ luật, có thái độ không đúng đắn trên phim trường. Dù tôi làm nhiều phim về đề tài xã hội nhạy cảm, tôi luôn dặn dò các diễn viên nữ phải cẩn thận, tránh “lộ hàng”. Tôi nói: “Mấy em đóng vai sexy nhưng vẫn phải chú ý che chắn cẩn thận. Các em ‘lộ hàng’ các em không chết đâu mà anh chết đó”. Diễn viên thấy tôi nói vậy còn vô tư trêu lại: “Trời, anh làm gì ghê vậy. Em có cởi hẳn ra cũng có sao đâu”. Do tôi hay kỹ càng như vậy nên nhiều người họ đồn tôi “pê-đê”, thấy gái mà không ham hố gì nữa. Thú thật, cũng có đôi lần vài cô rủ tôi đi nhậu nhưng tôi từ chối. Tôi không còn trẻ để dành thời gian săn tìm, chinh phục nữa. Nếu giờ tôi mới 20 tuổi thì chắc cũng khó cầm lòng đấy. Nhưng tôi đã ngoài 40 rồi, từng gãy đổ hôn nhân, người vợ thứ hai lại rất đàng hoàng nên tôi không muốn mạo hiểm nữa. Giờ nhiệt huyết, máu lửa trong tôi là dành cho công việc chứ không phải chuyện yêu đương, trai gái. Tôi chỉ hào hứng khi nói về công việc làm phim thôi. Tôi tự thấy mình giống như một người phụ nữ đang ở giai đoạn “tiền mãn kinh”, không còn trẻ để mà nổi máu gà máu vịt lên nữa.
Theo Ngoisao.net